Tư vấn chọn loại hình doanh nghiệp hiện nay
Theo quy định của Luật Doanh Nghiệp năm 2020 có các loại hình doanh nghiệp như sau: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn và Công ty Cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp có những ưu nhược điểm riêng và việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào tùy vào nhu cầu của từng nhà đầu tư tại từng thời điểm.
Vấn đề lựa chọn loại hình doanh nghiệp
Dù là loại hình doanh nghiệp nào thì cũng có tên riêng, có tài sản, trụ sở giao dịch cụ thể, được cơ quan nhà nước cấp giấy phép đăng ký kinh doanh nên có thể tham gia hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực đã đăng ký. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của nhà đầu tư và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành?
Với kinh nghiệm nhiều năm tư vấn doanh nghiệp, Luật Bravolaw xin đưa ra một số tiêu chí để Quý khách hàng tham khảo như sau:
- Tiêu chí về thủ tục thành lập, chi phí thực hiện và cách thức quản trị doanh nghiệp.
- Có tư cách pháp nhân hay không, trách nhiệm về tài sản của chủ sở hữu.
- Số lượng thành viên, tên doang nghiệp dự kiến thành lập.
- Cơ cấu tổ chức.
- Khả năng chuyển nhượng và huy động vốn của doanh nghiệp.
- Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dưới đây là phần so sánh ưu nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp:
Doanh nghiệp tư nhân (viết tắt là DNTN)
Là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của cá nhân mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Người này chính là chủ sở hữu duy nhất, cũng là người đại diện theo pháp luật và quyết định mọi việc liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Loại hình doanh nghiệp này có rất nhiều điểm hạn chế như:
- Mỗi cá nhân chỉ được thành lập duy nhất 1 Doanh Nghiệp Tư Nhân.
- Cá nhân đã thành lập doanh nghiệp tư nhân thì không thể đứng tên chủ hộ kinh doanh cũng như không thể là thành viên của một Công ty Hợp Danh khác.
- Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân nên không có sự phân biệt giữa tài sản của chủ doanh nghiệp (cá nhân) với tài sản của doanh nghiệp, tức là chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là khi có các khoản nợ phát sinh mà tài sản của DNTN không đủ để thanh toán nợ thì chủ doanh nghiệp phải mang toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của cá nhân mình ra để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Đây là một trong những điểm hạn chế lớn nhất của loại hình doanh nghiệp này và cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến nhiều người không lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân mà lựa chọn loại hình Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Một Thành Viên bởi vì công ty TNHH 1 thành viên cũng là do một cá nhân làm chủ những chủ sở hữu chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi phần vốn đã góp vào doanh nghiệp (để phân biệt kỹ hơn thì các bạn hãy đọc tiếp ở phần loại hình công ty TNHH).
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền phát hành chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu,…) nên khả năng huy động vốn của loại hình doanh nghiệp này không cao.
Bên cạnh những điểm hạn chế thì loại hình doanh nghiệp tư nhân cũng có những ưu điểm nhất định:
- Bởi vì DNTN thuộc sở hữu của duy nhất một người (chủ doanh nghiệp) nên người đó có toàn quyền quyết định mọi thứ liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì mọi quyền lực tập trung vào người chủ sở hữu nên mô hình công ty tư nhân được tổ chức rất đơn giản, không cần thiết phải có nhiều phòng ban rườm rà. Chủ doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc mua bán, chuyển nhượng, giải thể doanh nghiệp mà không phải xin ý kiến của bất cứ ai khác.
- Bởi vì quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân luôn gắn liền với chủ sở hữu nên chủ doanh nghiệp rất dễ sử dụng uy tín cá nhân để tạo ra sự tin tưởng cho khách hàng và đối tác của doanh nghiệp.
- Bởi vì không có sự phân biệt giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của cá nhân (chủ doanh nghiệp) nên doanh nghiệp tư nhân rất dễ để vay mượn tiền từ phía ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.
- Nhìn chung, đây là loại hình doanh nghiệp ít chịu sự ràng buộc của pháp luật nhất.
Công ty hợp danh
Là loại hình doanh nghiệp kết hợp giữa doanh nghiệp tư nhân và công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty hợp danh phải có ít nhất là 2 thành viên hợp danh trở lên và có thể có hoặc không có các thành viên góp vốn cùng kinh doanh.
* Thành viên hợp danh phải là một cá nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của cá nhân mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (giống như chủ doanh nghiệp tư nhân)
* Còn thành viên góp vốn có thể là một cá nhân hoặc pháp nhân, chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp vào doanh nghiệp.
Đặc điểm của công ty hợp danh:
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp Giấy phép kinh doanh.
- Thành viên hợp danh không được là chủ của doanh nghiệp tư nhân hoặc là thành viên hợp danh của một công ty hợp danh khác trừ khi được sự đồng ý của các thành viên còn lại.
- Luật không quy định số lượng thành viên tối đa của công ty hợp danh.
- Công ty hợp danh cũng không được quyền phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Ưu điểm:
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân cho nên có sự phân biệt giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của cá nhân các thành viên tham gia góp vốn. Tuy nhiên trách nhiệm của các thành viên hợp danh đối với công ty vẫn là vô hạn.
- So với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì công ty hợp danh kết hợp được uy tín của nhiều cá nhân nên dễ dàng tạo được niềm tin với đối tác và khách hàng.
- Do không bị giới hạn về số lượng thành viên nên đây là một trong những lợi thế để có thể kêu gọi vốn bằng hình thức thêm thành viên công ty.
- Vai trò của thành viên hợp danh trong công ty giống như chủ doanh nghiệp tư nhân cho nên quyền lực tập trung vào những thành viên này, do đó mô hình tổ chức công ty cũng đơn giản, không cần thiết phải có nhiều phòng ban rườm rà.
Nhược điểm:
- Mặc dù trách nhiệm của thành viên hợp danh giống như chủ doanh nghiệp tư nhân nhưng vì có nhiều thành viên hợp danh (ít nhất là 2 người) nên quyền lực không nằm hoàn toàn trong tay 1 người và rủi ro mà các thành viên hợp danh phải chịu là rất cao.
- Thành viên hợp danh muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác thì cần được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh khác. Đây là quyền chấp thuận chứ không phải quyền ưu tiên mua dó đó thành viên hợp danh có quyền chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên còn lại hoặc chuyển cho người khác. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu kể từ thời điểm chuyển nhượng, thành viên hợp danh vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ nợ phát sinh trước thời điểm chấm dứt tư cách thành viên.
- Thành viên hợp danh muốn rút vốn khỏi công ty phải làm thông báo bằng văn bản trước đó ít nhất 06 tháng và chỉ được phép rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính (bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 của năm và kết thúc vào cuối ngày 30 tháng 6 năm kế tiếp) và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.
Vì những nhược điểm rất lớn trên cho nên thực tế loại hình doanh nghiệp này chưa phổ biến. Các công ty tư vấn thường hướng khách hàng sang thành lập loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ hạn chế được rủi ro cho các chủ sở hữu công ty.
Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)
Là loại hình doanh nghiệp có hai hình thức hoạt động: Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Trong đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một cá nhân hoặc tổ chức làm chủ sở hữu còn công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất từ 2 cá nhân hoặc 2 tổ chức trở lên làm chủ sở hữu nhưng không được vượt quá 50 thành viên. Nếu vượt quá 50 thành viên bắt buộc phải chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần.
Ưu điểm:
- Công ty TNHH có tư cách pháp nhân nên có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân vì vậy các thành viên công ty chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp vào doanh nghiệp, điều này sẽ hạn chế rủi ro cho các thành viên góp vốn khi đầu tư vào công ty.
- Số lượng thành viên trong công ty TNHH không quá lớn (tối đa là 50) nên thường là những người có quen biết, tin cậy lẫn nhau nên việc quản lý và điều hành công ty cũng không quá phức tạp.
- Trong trường hợp thành viên công ty muốn thoái vốn (chuyển nhượng vốn góp) thì quyền ưu tiên mua sẽ dành cho các thành viên còn lại trong công ty. Trong thời hạn 30 ngày nếu không có thành viên nào trong công ty mua thì thành viên đó mới có quyền chuyển nhượng cho cá nhân hoặc tổ chức khác. Đây là quyền lợi rất lớn dành cho các thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn vì sẽ hạn chế tối đa khả năng thâu tóm công ty của các cá nhân/tổ chức bên ngoài.
Nhược điểm:
- Do tài sản công ty tách biệt với tài sản cá nhân và các thành viên sở hữu công ty chỉ phải chịu trách nhiệm trong phần vốn đã góp nên niềm tin với khách hàng và đối tác cũng bị giới hạn. Ngân hàng chỉ có thể cho vay khoản tiền nhỏ hơn giá trị của công ty TNHH nhằm hạn chế rủi ro.
- Pháp luật không cho phép công ty TNHH phát hành cổ phiếu nên việc huy động vốn của loại hình doanh nghiệp này khá hạn chế.
- Nhìn chung loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật hơn so với doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.
Vì những ưu điểm vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh nên loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn là sự lựa chọn an toàn, phổ biến nhất hiện nay.
Công ty cổ phần
Là loại hình doanh nghiệp có ít nhất 3 thành viên trở lên và không hạn chế số lượng thành viên tối đa. Các thành viên góp vốn vào công ty cổ phần gọi là các cổ đông và vốn điều lệ được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần.
Đặc điểm của công ty cổ phần:
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân.
- Công ty cổ phần được phép phát hành các loại chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác) theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Công ty cổ phần bắt buộc phải có Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc). Nếu công ty cổ phần có từ 11 cổ đông trở lên thì phải có thêm Ban kiểm soát.
- Những thành viên ký vào điều lệ thành lập công ty cổ phần ban đầu gọi là những cổ đông sáng lập, có quyền được ưu tiên mua cổ phần nếu các thành viên khác muốn chuyển nhượng cổ phần trong 3 năm đầu thành lập.
Ưu điểm:
- Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân nên trách nhiệm của các cổ đông là hữu hạn, tức là chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn đã góp vào doanh nghiệp. Điều này giúp hạn chế rủi ro cho các cổ đông khi góp vốn khi đầu tư vào công ty.
- Trong tất cả các loại hình doanh nghiệp thì chỉ có công ty cổ phần là có quyền phát hành chứng khoán nên khả năng huy động vốn là rất lớn. Với tiềm lực kinh tế mạnh thì việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề của loại hình công ty này trở nên rất dễ dàng giúp cho các nhà đầu tư sinh lời nhanh chóng.
- Loại hình công ty cổ phần không hề giới hạn số lượng cổ đông góp vốn vào công ty. Hơn nữa việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp cũng rất dễ dàng nên phạm vi đối tượng được tham gia vào công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả cán bộ công chức nhà nước cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.
Nhược điểm:
- Việc tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động công ty cổ phần rất phức tạp nếu như số lượng cổ đông của công ty quá lớn. Trong đó có rất nhiều người không hề quen biết và có thể xuất hiện sự chia rẽ thành nhiều nhóm cổ đông mâu thuẫn với nhau về lợi ích. Sự chia rẽ này đôi khi gây mất đoàn kết theo hướng kìm hãm sự phát triển chung của công ty.
- Việc thành lập và quản lý công ty cổ phần không chỉ tốn kém mà còn phức tạp hơn so với các loại hình công ty khác do bị kiểm soát chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về vấn đề kế toán, thuế.
- Khả năng bảo mật trong kinh doanh và tình hình tài chính của công ty bị hạn chế do phải công khai báo cáo với các cổ đông.
- Quyền của những người điều hành (tổng giám đốc, giám đốc,…) trong công ty cổ phần bị hạn chế trong một số trường hợp phải được sự thông qua của Hội đồng cổ đông.
Ngoài những loại hình doanh nghiệp được quy định theo Luật Doanh Nghiệp năm 2020 ra, còn có một số loại hình khác như Doanh nghiệp có vốn nhà nước, Công ty liên doanh và Hợp tác xã. Tuy nhiên những loại hình này không phổ biến hoặc để thành lập được cần có yếu tố chính phủ nên trong bài viết này Luật Việt Tín chỉ giới thiệu và so sánh ưu nhược điểm của 4 loại hình doanh nghiệp phổ biến nhất giúp các bạn lựa chọn.
Tổng kết lại
Dưới đây là bảng so sánh các loại hình doanh nghiệp trên:
LOẠI HÌNH |
ƯU ĐIỂM |
HẠN CHẾ |
Doanh nghiệp Tư nhân | Một chủ đầu tư, thuận lợi trong việc quyết định các vấn đề của Doanh nghiệp | Không có tư cách pháp nhân Chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản của Chủ Doanh nghiệp |
Công ty TNHH | Nhiều thành viên cùng tham gia góp vốn, cùng kinh doanh Có tư cách pháp nhân Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản theo tỉ lệ vốn góp |
Khả năng huy động vốn từ công chúng bằng hình thức đầu tư trực tiếp không có |
Công ty Cổ phần | Nhiều thành viên cùng tham gia góp vốn, cùng kinh doanh Có tư cách pháp nhân Chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản theo tỉ lệ vốn góp Các cổ đông sáng lập có thể mất quyền kiểm soát Công ty |
Khả năng huy động vốn từ công chúng bằng hình thức đầu tư trực tiếp thuận lợi, công chúng có thể dễ dàng tham gia vào công ty bằng hình thức mua cổ phiếu của Công ty (tính chất mở của Công ty) |
Công ty Hợp danh | Nhiều thành viên cùng tham gia góp vốn, cùng kinh doanh Các thành viên hợp danh có thể hoạt động nhân danh công ty Công ty hoạt động dựa trên uy tín của các thành viên |
Các thành viên cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản liên quan đến các hoạt động của Công ty. Không có tư cách pháp nhân |
Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Mục tiêu kinh doanh, tiềm lực tài chính, số lượng thành viên sáng lập,… Tuy nhiên, theo thời gian những tiêu chí này có thể thay đổi và loại hình doanh nghiệp cũng có thể thay đổi cho phù hợp với thực tế.
Nếu bạn cần được tư vấn thêm hoặc có nhu cầu thành lập công ty xin vui lòng liên hệ với Luật Bravolaw theo số 1900 6296. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách.!
Mọi chi tiết về Tư vấn chọn loại hình doanh nghiệp hiện nay xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN BRAVOLAW
Địa chỉ : 349 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Hotline : 1900 6296
Email : [email protected]