Quyền của thành viên công ty TNHH
Khi tham gia góp vốn thành lập công ty, người góp vốn mong muốn được hưởng những quyền lợi nhất định từ hoạt động này. Tuy nhiên, không phải người góp vốn nào cũng có những hiểu biết rõ ràng và cụ thể về quyền lợi của mình. Bài viết dưới đây Luật Bravolaw sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin bao quát về quyền của thành viên góp vốn công ty TNHH.
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan
- Luật Cán bộ, công chức 2018; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2018
- Luật Phá sản năm 2014
- Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
- Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Chủ thể
Thành viên góp vốn trong công ty TNHH có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Với mỗi loại chủ thể, pháp luật Việt Nam quy định những điều kiện khác nhau.
Đối với thành viên là cá nhân
Góp vốn thành lập công ty là quyền của mỗi cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện theo pháp luật. Pháp luật đặt ra các điều kiện với người tham gia góp vốn nhắm mục đích bảo vệ những thành viên khác trong công ty cũng như để phòng, tránh tình trạng tham nhũng.
Cá nhân được tham gia là thành viên của công ty TNHH phải thỏa mãn các điều kiện:
- Có đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự
- Phải đủ 18 tuổi trở lên;
- Không bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
- Không thuộc những trường hợp cấm của Luật:
- Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước không được thành lập hay tham gia quản lý, điều hành công ty TNHH trừ trường hợp luật có quy định khác (quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018)
- Cán bộ đã về hưu không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành công ty TNHH thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Điều 22, Điều 23 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
- Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh theo quyết định của Tòa án.
Đối với thành viên là tổ chức
- Tổ chức muốn là thành viên của công ty TNHH phải có tư cách pháp nhân
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự thì không được thành lập doanh nghiệp được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021
Quyền của thành viên góp vốn trong công ty TNHH 1 thành viên
Đối với công ty TNHH 1 thành viên, thành viên góp vốn đồng thời là chủ sở hữu công ty nên quyền lợi của thành viên được đảm bảo ở mức tối đa, đi liền với đó là nghĩa vụ.
Quyền của thành viên công ty TNHH 1 thành viên được quy định tại Điều 75 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Quyền của thành viên góp vốn trong công ty TNHH nhiều thành viên
Thành viên công ty TNHH nhiều thành viên có thể là cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, pháp luật quy định số lượng thành viên trong công ty TNHH không vượt quá 50 thành viên. (Điểm a Khoản 1 Điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Trong công ty TNHH nhiều thành viên, các thành viên là cá nhân hay tổ chức có những quyền tương đương nhau, được quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020, bao gồm:
Quyền tham gia quản lý, điều hành, giám sát công ty:
- Tham dự họp Hội đồng thành viên, thảo luận, kiến nghị, biểu quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên.
- Tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác theo quy định pháp luật.
- Trừ trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định còn có thêm các quyền sau đây:
- Yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền;
- Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;
- Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng thành viên và các hồ sơ khác của công ty;
- Yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
- Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn thì nhóm thành viên còn lại đương nhiên có quyền như đã nêu trên.
Các quyền liên quan đến phần vốn góp
- Có số phiếu biểu quyết tương ứng với phần vốn thực tế đã góp
- Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Được chia giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với phần vốn góp khi công ty giải thể hoặc phá sản.
- Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ, tặng cho và cách khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Các quyền ưu tiên khi công ty có sự thay đổi
- Được ưu tiên góp thêm vốn vào công ty khi công ty tăng vốn điều lệ.
Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Trên đây là toàn bộ nội dung về Quyền của thành viên công ty TNHH. Nếu còn đang băn khoăn về quyền lợi của thành viên khi tham gia vào công ty, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Luật Bravolaw để được tư vấn và giải đáp cụ thể.
Mọi chi tiết về Quyền của thành viên công ty TNHH xin vui lòng liên hệ :
CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN BRAVOLAW
Địa chỉ : 349 Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Hotline : 1900 6296
Email : [email protected]