Thành lập hộ kinh doanh cá thể là một hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lời nên có nhiều người không muốn chỉ đứng tên trong một hộ kinh doanh. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể? Trong bài viết dưới đây, Luật Bravolaw xin gửi tới Quý Khách hàng thông tin về một cá nhân được đứng tên mấy hộ kinh doanh cá thể.
Các chủ thể có quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể?
Chủ thể có quyền thành lập hộ kinh doanh bao gồm cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Các chủ thể không được phép thành lập hộ kinh doanh cá thể được quy định tại khoản 1 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP bao gồm:
– Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy so với quy định của luật doanh nghiệp cũ chỉ quy định chung chung về quyền thành lập hộ kinh doanh bao gồm Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định tại Chương VIII Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì luật doanh nghiệp mới đã quy định thêm các trường hợp không được đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể.
Một cá nhân có thể đắng ký bao nhiêu hộ kinh doanh cá thể?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì cá nhân, thành viên hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh cá thể chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.
Như vậy một cá nhân chỉ có thể đứng tên trên một kinh doanh cá thể. Điều này có thể được lý giải như sau:
Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên của hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm vô hạn, bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Như vậy, tài sản cá nhân của các thành viên trong hộ kinh doanh cá thể sẽ không tách bạch so với tài sản của hộ kinh doanh. Nếu để cho một cá nhân có thể tham gia thành lập nhiều hộ kinh doanh thì việc tính thuế thu nhập của chủ hộ kinh doanh sẽ rất khó khăn và khó kiểm soát.
Hơn thế nữa, do cá nhân thành lập hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động kinh doanh của hộ nên khi một cá nhân có thể thành lập nhiều hộ kinh doanh cá thể thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ ở cả hai hộ kinh doanh. Khi đó, các cá nhân này có thể trốn thuế thông qua việc để một hộ kinh doanh luôn kinh doanh bị lỗ và lấy khoản tiền lợi nhuận từ các hộ kinh doanh cá thể khác để bù lỗ do các hộ kinh doanh không tách bạch được tài sản với nhau nên cơ quan nhà nước rất khó kiểm soát.
Ngoài ra do bản chất hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh là nhỏ lẻ, quy mô thị trường nhỏ, số lượng lao động ít, các cá nhân tham gia hộ kinh doanh cá thể thường sẽ là lao động chính của hộ và thường không thể ủy thác toàn bộ cho các thành viên khác hay cá nhân khác nên để đảm bảo cho hoạt động của hộ kinh doanh được ổn định thì mỗi cá nhân chỉ nên thành lập một hộ kinh doanh cá thể và tập trung phát triển cho hộ kinh doanh đó.
Đề phòng những rủi ro nêu trên nên từ khi ban hành các quy định về hộ kinh doanh và từ khi loại hình này xuất hiện, pháp luật đã quy định mỗi cá nhân chỉ có thể tham gia thành lập một hộ kinh doanh cá thể và quy định này được kế thừa cho đến Luật Doanh nghiệp hiện hành.
Tuy nhiên, để không hạn chế quyền kinh doanh của các cá nhân thì Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng có quy định cá nhân tham gia thành lập hộ kinh doanh được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân. Quy định này không vi phạm về chế định chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của cá nhân thành lập hộ kinh doanh cá thể đối với hoạt động của hộ. Như vậy, khi hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh có trục trặc thì các chủ nợ, cơ quan nhà nước có thể xử lý tài sản là phần vốn góp, cổ phần của thành viên hộ kinh doanh tại các loại hình công ty mà không hề ảnh hưởng đến hoạt động của các loại hình công ty đó. Ngoài ra, khi các công ty mà thành viên hộ kinh doanh cá thể thực hiện hoạt động góp vốn có vấn đề phát sinh thì chỉ cần xử lý trong phạm vi tài sàn của cá nhân đó đã góp vốn vào công ty mà không xử lý các tài sản khác của cá nhân.
Chế tài khi vi phạm quy định về một cá nhân chỉ được thành lập một hộ kinh doanh?
Trường hợp đăng ký thành lập nhiều hơn một hộ kinh doanh trở lên sẽ bị phạt tiền và buộc phải làm thủ tục chấm dứt các hộ kinh doanh cá thể khác theo điểm a khoản 1 điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP:
“Điều 41. Vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc làm thủ tục chấm dứt các hộ kinh doanh khác và chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh duy nhất đối với hành vi vi phạm tại Điểm a Khoản 1 Điều này;”
Như vậy không giống với công ty, hộ kinh doanh mỗi cá nhân chỉ có thể đứng tên trên 1 giấy phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Nếu cá nhân muốn đứng tên trên nhiều giấy phép có thể lựa chon loại hình công ty. Luật Bravolaw đã giới thiệu đến quý khách hàng những quy định đối với cá nhân đứng tên trên giấy phép hộ kinh doanh cá thể. Qúy khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi theo số 1900 6296 để được tư vấn.