Khi đầu tư, kinh doanh vào những ngành nghề, lĩnh vực mà theo quy định pháp luật là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì cá nhân, tổ chức đầu tư kinh doanh cần phải làm thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện nay, có nhiều nhiều cá nhân, tổ chức chưa nắm rõ được thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện như thế nào? Hôm nay, hãy theo dõi bài viết dưới đây của Luật Bravolaw để hiểu rõ hơn nhé.
Căn cứ pháp lý
- Luật Đầu tư 2020
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là gì?
Theo khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020 quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cụ thể như sau:
“Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.“
Hiện nay, cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bảo đảm việc đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động.
- Theo quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư 2020 thì ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
- Hiện nay danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện (kể cả đối với Nhà đầu tư nước ngoài) đã được đăng tải trên Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia, quy định cụ thể về các điều kiện kinh doanh của từng ngành, nghề và các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nội dung tương ứng.
Điều kiện để được kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Điều kiện kinh doanh chính là các yêu cầu từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc các doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện được thể hiện cụ thể trên giấy phép kinh doanh (mã ngành, nghề), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.
Điều kiện về giấy phép kinh doanh
Giấy phép kinh doanh đôi khi cũng được gọi là “Giấy phép con”. Được hiểu là một loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tiến hành một hoặc một số hoạt động kinh doanh trong một số lĩnh vực.
Giấy phép kinh doanh là loại giấy tờ có tính chất thông hành mà có được nó thì các cá nhân, các tổ chức kinh doanh được hoạt động một cách hợp pháp. Doanh nghiệp buộc phải có các giấy phép này khi hoạt động những lĩnh vực thuộc “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” theo quy định của Luật Đầu tư.
Giấy phép kinh doanh còn được sử dụng như một hình thức hạn chế việc kinh doanh đối với những ngành, nghề, lĩnh vực nhất định.
Các lĩnh vực quản lý nhà nước quy định nhiều loại Giấy phép như: Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp, Thông tin và Truyền thông.
Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh
Thông thường, đây là các điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất hoặc con người của cơ sở kinh doanh đó. Khi chủ thể kinh doanh đã đáp ứng được những điều kiện đó thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp cho họ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chủ thể kinh doanh mới được phép kinh doanh ngành nghề, lĩnh vực đó.
Những loại giấy chứng nhận phổ biến hiện nay như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự…
Điều kiện về chứng chỉ hành nghề
Chứng chỉ hành nghề là văn bản mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc hiệp hội nghề nghiệp được nhà nước ủy quyền cấp cho cá nhân có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm về một ngành, nghề nhất định.
Đối với những ngành nghề có điều kiện này, doanh nghiệp phải có người hoạt động trong ngành nghề đó và có chứng chỉ hành nghề.
Tùy vào từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau được quy định trong pháp luật chuyên ngành mà sẽ có yêu cầu số lượng cá nhân có giấy chứng nhận hành nghề và vị trí của người có giấy chứng nhận hành nghề trong doanh nghiệp cũng khác nhau.
Ví dụ như:
– Yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề
– Yêu cầu giám đốc và người khác phải có chứng chỉ hành nghề: Giám đốc của doanh nghiệp. Và ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.
– Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không yêu cầu Giám đốc hoặc người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề. Ít nhất một cán bộ chuyên môn theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.
Điều kiện về vốn pháp định
Yêu cầu về vốn pháp định thường được đặt ra đối với các ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm tài sản cao của doanh nghiệp hoặc các ngành, nghề có yêu cầu có cơ sở vật chất lớn.
Ví dụ, Luật kinh doanh bất động sản quy định doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định là 20 tỷ đồng.
Mục đích của yêu cầu về mức vốn tối thiểu này nhằm xác định năng lực hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực đó của doanh nghiệp. Và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có giao dịch với doanh nghiệp đó.
Một số điều kiện khác
– Văn bản xác nhận kinh nghiệm làm việc;
– Phải lập dự án và được phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi thành lập công ty để bắt đầu kinh doanh.
– Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản quy định.
Lưu ý:
Mọi cá nhân, tổ chức đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh đều có quyền được cấp giấy phép. Hoặc được quyền thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh khi đáp ứng điều kiện quy định. Trong trường hợp từ chối cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức và nêu rõ lý do từ chối.
Trong quá trình thực hiện thủ tục để được cấp giấy phép hoặc thực hiện các điều kiện đối với trường hợp thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản, Doanh nghiệp không phải ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện chi tiết
Quy trình đăng ký kinh doanh các ngành nghề có điều kiện phải tuân thủ theo các trình tự nhất định sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Thông thường bao gồm các giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện;
- Điều lệ công ty;
- Bản sao giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có ngành nghề đăng ký kinh doanh;
- Phương án kinh doanh;
- Chương trình kinh doanh;
- Giấy xác nhận kinh nghiệm hoặc giấy tờ chứng minh thời gian hoạt động của người điều hành hoạt động kinh doanh;
- Các giấy tờ tùy thân của người đứng đầu kinh doanh, các thành viên trong công ty.
Cá nhân, tổ chức phải chuẩn bị đầy đủ các thông tin cần thiết để lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp lựa chọn loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, kèm theo hồ sơ trên, cá nhân, người liên quan cần chuẩn bị:
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của những thành viên (cổ đông). Giám đốc, người đứng đầu hoặc cán bộ chuyên môn của doanh nghiệp lựa chọn đặt tên công ty;
- Xác định địa chỉ trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty;
- Xác định vốn điều lệ để đưa ra kinh doanh;
- Xác định chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty;
- Xác định ngành nghề kinh doanh chuẩn hoá theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.
Bước 2: Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh là sở kế hoạch đầu tư hoặc nộp hồ sơ thông qua cổng thông tin điện tử. Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Phòng Đăng ký kinh doanh ghi toàn bộ yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với mỗi một bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp trong một Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp cá biệt, nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc không được thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Trên đây là bài viết tư vấn về của Luật Bravolaw về chủ đề trên. Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn thành lập công ty miễn phí của chúng tôi vui lòng liên hệ Hotline: 1900 6296 nhé!, Chúng tôi sẽ hỗ trợ 24/7, giúp bạn tiết kiệm chi phí và ít đi lại.