Giấy phép kinh doanh hay thường được dân kinh doanh gọi nôm na là giấy phép con, là loại tài liệu bắt buộc đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Để có thể giúp doanh nghiệp nắm rõ hơn về loại tài liệu đặc biệt này, cũng như có thể xác định xem liệu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp có cần giấy phép hay không, Luật Bravolaw xin được chia sẻ một số nội dung pháp lý liên quan ngay trong bài viết dưới đây.
Giấy phép kinh doanh là gì?
Giấy phép kinh doanh thực chất có thể hiểu là căn cước của doanh nghiệp để thực hiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Loại giấy phép này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng cấp cho doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ được các quy định cụ thể của ngành nghề yêu cầu. Giấy phép kinh doanh có thể được thay thế bằng các tài liệu tương đương khác để phù hợp với quy định của từng ngành nghề cụ thể như: giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác… Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014 nghĩa vụ của doanh nghiệp đó là:“Đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.”.
Doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cần xác định xem liệu những ngành nghề kinh doanh trong nội dung đăng ký hoạt động doanh nghiệp liệu có thuộc vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong hệ thống ngành nghề kinh tế hay không để tiếp tục thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh. Tránh xảy ra các trường hợp nhầm lẫn không mong muốn và bị xử lý theo chế tài của pháp luật vì kinh doanh trái phép.
Các ngành nghề cần giấy phép kinh doanh?
Như những chia sẻ của Luật Bravolaw, ngành nghề cần giấy phép kinh doanh là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam. Theo quy định hướng dẫn tại khoản 4 Điều 16 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp có nêu: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện pháp luật về điều kiện kinh doanh; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm việc chấp hành các điều kiện kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước; rà soát và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước và gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”
Như vậy, tuy ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định rải rác theo thẩm quyền riêng của từng bộ ban ngành, tuy nhiên đều được Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp, đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Các ngành nghề kinh doanh cần được cấp phép được chia thành 15 lĩnh vực khác nhau với hơn 350 ngành nghề cụ thể; ngoài ra trên cổng thông tin này còn cung cấp nội dung điều kiện và văn bản quy định chính xác cho từng ngành nghề để người xem có thể dễ dàng tra cứu. Tất nhiên, mỗi loại giấy phép kinh doanh sẽ có các quy định và điều kiện riêng để thực hiện thủ tục cấp, vì vậy doanh nghiệp vẫn nên tham khảo và tìm hiểu thật kỹ để có thể tiến hành thủ tục này chính xác và nhanh chóng, tiết kiệm nhất.