Thành lập công ty tron gói trong 03 ngày

Chuyển nhượng cổ phần theo quy định của luật doanh nghiệp 2020

Hoạt động chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần đang diễn ra thường nhật và ngày càng phát triển. Để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia chuyển nhượng cổ phần thì cần biết quy định của pháp luật. Do đó, trong nội dung bài viết này, Luật Bravolaw giới thiệu đến bạn chuyển nhượng cổ phần theo quy định của luật doanh nghiệp 2020.

Cơ sở pháp lý

Khái quát chung về chuyển nhượng cổ phần

Chuyển nhượng là việc chủ sở hữu giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho người nhận chuyển nhượng và nhận được từ người nhận chuyển nhượng một giá trị vật chất tương đương với tài sản đó.

Mang bản chất chuyển nhượng, nên có thể hiểu, việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần là việc chuyển giao quyền sở hữu cổ phần của một thành viên của công ty cổ phần cho một người khác (có thể là thành viên hoặc không phải thành viên của công ty). Xét dưới góc độ pháp lý, đây là một loại giao dịch dân sự; được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật chuyên ngành và các quy định chung khác.

Quy định của pháp luật về chuyển nhượng cổ phần

Chuyển nhượng cổ phần phổ thông

Cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần phổ thông (cổ phần mua khi góp vốn thành lập doanh nghiệp) 

Căn cứ khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

3. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.

Theo như quy định trên, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần của cổ đông sáng lập sẽ phải chịu một số hạn chế trong đó có hạn chế về chuyển nhượng.

Cổ đông sáng lập chỉ có thể tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác cùng công ty. Trong trường hợp chuyển nhượng cho một người khác (không phải là cổ đông sáng lập); thì việc chuyển nhượng sẽ bị hạn chế. Họ chỉ được chuyển nhượng khi được chấp thuận bởi Đại hội đồng cổ đông.

Số cổ phần phổ thông bị hạn chế chuyển nhượng này là: số cổ phần phổ thông mà cổ đông mua khi góp vốn thành lập doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; và cổ phần mà cổ đông sáng lập đã chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.

Chuyển nhượng cổ phần phổ thông trong trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng

Mỗi công ty cổ phần sẽ có các quy định điều lệ khác nhau. Việc xác lập, hủy bỏ, thay đổi điều lệ của công ty phải theo quy định của pháp luật. Những nội dung được quy định trong điều lệ công ty sẽ tạo ra cơ chế vận hành, quản lý công ty. Các thành viên của công ty theo đó phải chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ.

Tại khoản 1 Điều 127 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định :

Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần

1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.

Như vậy, trong trường hợp điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Quy định này làm tăng quyền quyết định của thành viên trong công ty cũng như đề cao vai trò của Điều lệ công ty (tính thỏa thuận của các chủ thể tham gia) khi cho phép Điều lệ công ty có quy định về hạn chế chuyển nhượng.

Điều lệ của mỗi công ty cổ phần có thể có hoặc không có quy định về hạn chế chuyển nhượng.

Chuyển nhượng cổ phần phổ thông không thuộc hai trường hợp trường hợp trên 

Căn cứ điểm d khoản 1 điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định :

Điều 115. Quyền của cổ đông phổ thông

1. Cổ đông phổ thông có quyền sau đây:

d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan

Theo đó, cổ đông chỉ bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông trong hai trường hợp: cổ đông sáng lập bị hạn chế chuyển nhượng; cho một người khác không phải là cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Và điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng.

Ngoài hai trường hợp trên, cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo ý chí của họ.

Quyền tự do chuyển nhượng này có ý nghĩa quan trọng đối với cổ đông trong công ty và các nhà đầu tư. Bởi mục đích chính của việc góp vốn đầu tư vào công ty là mục đích kiếm lợi nhuận do được hưởng cổ tức hàng năm; hoặc chênh lệch giá từ chuyển nhượng cổ phần. Việc tự do chuyển nhượng cổ phần cũng tạo ra cơ hội tái cấu trúc lại công ty; đối với những công ty làm ăn kém hiệu quả khi có các nhà đầu tư mong muốn mua lại phần lớn cổ phần để thiết lập lại bộ máy quản lý cũng như chiến lược hoạt động của công ty.

Chuyển nhượng khi cổ đông là cá nhân chết, tặng cho, sử dụng cổ phần để trả nợ

Căn cứ khoản 3,4,5 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định :

Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần

3. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của cổ đông đó trở thành cổ đông của công ty.

4. Trường hợp cổ đông là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

5. Cổ đông có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức được tặng cho hoặc nhận trả nợ bằng cổ phần sẽ trở thành cổ đông của công ty.

Như vậy, khi cổ đông là cá nhân cá nhân chết có người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, thì những người thừa kế sẽ sở hữu cổ phần của cổ đông đó. Nếu cổ đông là cá nhân chết nhưng không có người thừa kế; người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì số cổ phần của cổ đông đó sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật dân sự.

Nếu cổ đông đó tặng cho cổ phần hoặc dùng cổ phần để trả nợ thì người được tặng cho hoặc được nhận cổ phần để trả nợ sẽ sở hữu số cổ phần mà cổ đông tặng cho hoặc dùng để trả nợ. Người được tặng cho hoặc nhận cổ phần để trả nợ sẽ trở thành cổ đông của công ty khi ghi đầy đủ thông tin tại sổ đăng kí cổ đông.

Chuyển nhượng cổ phần ưu đãi

Chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết 

Tại khoản 3 Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định như sau:

Điều 116. Cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

Như vậy, việc chuyển nhượng loại cổ phần ưu đãi biểu quyết bị hạn chế. Cổ đông chỉ được phép chuyển nhượng cho người khác khi có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: sau thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập sẽ chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

Mà cổ phần phổ thông được tự do chuyển nhượng. Do đó, sau thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ đông sẽ được tự do chuyển nhượng số cổ phần này.

Chuyển nhượng cổ phần ưu đãi cổ tức 

Theo điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Điều 117.Cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức

… 2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền sau đây:

… c) Các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 148 của Luật này.

Như vậy, quyền tự do chuyển nhượng của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức giống như quyền chuyển nhượng của cổ phần phổ thông.

Tức là cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng tự do như cổ phần. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác về việc hạn chế chuyển nhượng và trường hợp cổ đông sáng lập bị hạn chế chuyển nhượng cho một người khác không phải là cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Chuyển nhượng cổ phần ưu đãi hoàn lại 

Theo khoản 2 Điều 118 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Điều 118. Cổ phần ưu đãi hoàn lại và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại

2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật này.

Theo quy định trên, quyền chuyển nhượng cổ phần ưu đãi hoàn lại  của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại; giống như chuyển nhượng cổ phần phổ thông.

Tức là cổ phần ưu đãi cổ tức được chuyển nhượng tự do. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác; về việc hạn chế chuyển nhượng. Và trường hợp, cổ phần cổ đông sáng lập bị hạn chế chuyển nhượng; cho một người khác không phải là cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Với những chia sẻ trên đây Luật Bravolaw hy vọng bài viết bổ ích với bạn đọc! Để biết thêm thông tin chi tiết, tham khảo thêm dịch vụ tư vấn thành lập công ty miễn phí của chúng tôi vui lòng liên hệ Hotline: 1900 6296 nhé!.

Rate this post
Exit mobile version