Tên doanh nghiệp là một trong những nội dung đăng ký doanh nghiệp mà cần phải được đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi doanh nghiệp có nhu cầu thành lập mới doanh nghiệp. Khi tên doanh nghiệp dự định đăng ký bị trùng, hoặc nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp đã đăng ký được thì Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên này theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020. Hãy cùng Bravolaw tìm hiểu về vấn đề này.
Tên doanh nghiệp là gì?
Tên tiếng việt của doanh nghiệp
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020 quy định tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
Loại hình doanh nghiệp
Loại hình doanh nghiệp được viết là:
- “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn
- “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần
- được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh
- “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân
Tên riêng
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 39 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Tên viết tắt của doanh nghiệp
Theo khoản 3 Điều 39 Luật doanh nghiệp 2020 quy định tên viết tắt của doanh nghiệp được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.
Các trường hợp tên doanh nghiệp bị trùng và gây nhầm lẫn
Theo Điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
Các trường hợp quy định tại các dòng d, đ, e, g và h không áp dụng đối với công ty con của công ty đã đăng ký.
Trên đây là những thông tin về Các trường hợp tên doanh nghiệp bị trùng và gây nhầm lẫn theo Luật doanh nghiệp 2020. Mọi vấn đề vướng mắc về pháp luật doanh nghiệp hãy liên hệ ngay với Bravolaw theo hotline 1900.6296 để được tư vấn, hỗ trợ. Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực doanh nghiệp, đầu tư chúng tôi cam kết hỗ trợ, hướng dẫn đầy đủ chính xác nhất.
Chúc các bạn thành công.